Màn hình khóa (lock screen) trên điện thoại hay tablet là công cụ được thiết kế để giúp người lạ không truy cập được vào thiết bị của bạn. Chính vì tầm quan trọng này, thiết lập màn hình khóa sao cho an toàn và hợp lý nhất là điều mọi người dùng nên làm. Bài viết dưới đây tổng hợp 4 điều bạn nên áp dụng cho lock screen trên Android và iOS để làm chủ tính năng trên và bảo vệ thiết bị của bạn khỏi bị truy cập trái phép.
Trên Android, Google hỗ trợ bạn đặt mật khẩu cho màn hình khóa bằng hai giải pháp: Mật khẩu số (PIN code) hoặc mật khẩu dạng chuỗi hình vẽ dích dắc (pattern). Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây, người dùng Android thường có thói quen sử dụng các pattern rất dễ đoán khiến họ có nguy cơ trở thành "mồi ngon" của kẻ xấu.
Để đảm bảo an toàn, khi thiết lập mật khẩu số trên Android, bạn nên chọn những dãy số dài (Android hỗ trợ tạo mật khẩu bằng chuỗi 16 số) thay vì chỉ chọn con số tối thiểu là 4 chữ số. Với chuỗi hình dích dắc, bạn cũng nên tạo các hình vẽ phức tạp, sử dụng các đường chéo... Bằng cách này, nguy cơ thiết bị của bạn bị hacker tấn công sẽ giảm đi đáng kể.
Trên iOS, bạn cũng có thể thiết lập các mật khẩu phức tạp cho iPhone, iPad của mình bằng cách vào mục Settings > General > Passcode, sau đó vô hiệu hóa Simple Passcode. Lúc này, hệ thống sẽ yêu cầu bạn nhập một mật khẩu dài hơn, phức tạp hơn.
Nếu iPhone, iPad của bạn được trang bị cảm biến vân tay Touch ID (iPhone từ thế hệ 5S trở đi, iPad Air 2 và iPad mini 3 là các máy hỗ trợ Touch ID), hãy tận dụng tính năng này để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thiết bị của bạn. Trong phiên bản Android sắp tới - Android 6.0 Marshmallow, Google cũng sẽ hỗ trợ loại hình bảo mật này cho nền tảng của mình.
Bất kể bạn đang dùng Android hay iOS, màn hình khóa sẽ được kích hoạt sau một khoảng thời gian nhất định bạn không sử dụng đến smartphone của mình (không có tác động nào vào màn hình smartphone/tablet). Khoảng thời gian này dài hay ngắn sẽ do chính người dùng thiết lập, tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng thời gian càng ngắn thì độ an toàn sẽ càng cao.
Trên Android, bạn vào Settings > Lock Screen > Lock automatically (lưu ý rằng tùy thuộc vào từng phiên bản Android, cách thiết lập tính năng này có thể nằm ở mục Settings>Display). Tại đây, hệ thống sẽ cung cấp cho bạn các mốc thời gian để màn hình khóa tự động kích hoạt.
Trên iOS, bạn thay đổi thời gian kích hoạt màn hình khóa bằng cách vào Settings > General > Auto-Lock.
Nếu đang sử dụng iPhone hoặc iPad, bạn có thể truy cập trợ lý ảo Siri của Apple ngay từ màn hình khóa. Siri có thể giúp bạn xem thông tin thời tiết, gọi điện, hiển thị lịch làm việc...
Vấn đề nằm ở chỗ, nếu bạn làm được như thế thì người khác cũng làm được và kẻ xấu có thể lợi dụng điều này để ăn cắp các thông tin cá nhân của bạn mà không cần mở khóa thiết bị. Nếu không muốn phải đối mặt với nguy cơ này, bạn có thể vô hiệu hóa Siri ở màn hình khóa bằng cách vào Settings > Passcode. Ở phần Allow Access When Locked, bạn sẽ nhìn thấy danh sách các tính năng mà iOS cho phép truy cập từ màn hình khóa và trong số này sẽ có cả Siri. Bạn dùng đầu ngón tay gạt nút toggle ở mục Siri và như vậy là trợ lý ảo này sẽ bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Ngoài ra, nếu muốn bạn cũng có thể không cho truy cập mục xem notification bằng cách tắt luôn tùy chọn Notifications View.
Android không có trợ lý ảo Siri như iOS nhưng hệ điều hành này lại hỗ trợ tính năng xem trước các thông báo (notification preview) trên màn hình khóa. Tính năng này hiện có trên Android 5.0 Lollipop và mục đích của nó là để giúp bạn xem sơ qua nội dung của thông báo đó mà không cần phải mở điện thoại. Tuy nhiên, giống như trường hợp của Siri, bạn xem được ở màn hình khóa thì người khác cũng xem được và nếu là các thông tin "nhạy cảm", hẳn bạn sẽ không muốn để điều đó xảy ra.
Để vô hiệu hóa, bạn vào Settings > Sound & notification, chọn When device is locked, chọn tiếp Hide sensitive notification content. Cách này sẽ giúp tắt hầu hết các thông báo từ màn hình khóa. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự tay mình thiết lập thông báo nào là "nhạy cảm" và cần tắt, thông báo nào không bằng cách truy cập vào mục App notifications trong phần Sound & notification của hệ điều hành.
Nguồn: Quan Tri Mang