Olympic là nơi giúp rất nhiều giấc mơ có cơ hội trở thành sự thật, bao gồm cả các nhà thiết kế - những người sáng tạo ra mọi thứ từ logo, hình ảnh trên các tấm vé, linh vật tới những tấm huy chương cho mỗi kỳ thế vận hội.
Để tất cả các công việc này kịp hoàn thành trước thời điểm diễn ra sự kiện, Ủy ban Olympic buộc phải sử dụng đến dịch vụ thuê ngoài (outsource) của nhiều hãng khác nhau. Ngoài ra, do có sự chồng chéo trong quá trình thiết kế nên hai hãng đã không thể làm việc cùng nhau trong một dự án. Minh chứng là logo của Rio 2016 được tạo ra bởi Tátil Design de Ideias – một công ty thiết kế ở Brazil, trong khi font chữ độc quyền của thế vận hội lại do Dalton Maag – một hãng cung cấp các kiểu chữ Typeface ở Anh xây dựng (hiện cũng đã có một văn phòng "vệ tinh" ở Brazil). Chính tình huống thực tế này đã gợi ý một case study vô cùng thú vị về sự hợp tác – hai công ty thuộc hai nền văn hóa buộc phải làm việc cùng nhau để tạo ra những sản phẩm cuối cùng mà sẽ được chiêm ngưỡng bởi hàng trăm triệu người trên thế giới.
Xem thêm:
Khi giám đốc sáng tạo của Tátil Design là Frederico Gelli phát hiện ra rằng có tới hơn 138 agency cùng cạnh tranh để giành được quyền thiết kế logo cho Olympic Rio 2016 thì suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu anh đơn giản đó là từ bỏ: "Tôi đã nghĩ rằng thật không thể nào thắng được". Ủy ban Olympic yêu cầu phải đệ trình một bản phác thảo logo gần hoàn thiện – quá khó để làm mà không hề có lấy một phản hồi (feedback) nào cả.
Tuy nhiên, sau một thời gian suy nghĩ, Gelli quyết định thử. Hơn hai tháng sau đó, tất cả các thành viên trong agency của anh đã cùng tham gia đóng góp các ý tưởng và cuối cùng, họ đã lựa chọn được một logo cho Olympic 2016 tốt nhất. "Logo này không được thiết kế dành cho các nhà thiết kế mà là cho tất cả mọi người trên thế giới. Nó đại diện cho sức mạnh của đất nước Brazil và cách mà chúng tôi chào đón các bạn".
Theo Gelli, phần khó nhất của toàn bộ quá trình thiết kế này đó là giữ cho ý tưởng cuối cùng không bị lộ ra trong khoảng 4 tháng từ khi được chọn cho tới khi Ủy ban thiết kế của Olympic đưa ra thông báo chính thức. Chỉ 10 thành viên trong công ty của Gelli mới được biết nên anh và 9 đồng nghiệp còn lại đã phải tạo một project "giả" để mọi người không nghi ngờ và tập trung làm việc. Bí mật này còn được giữ kín tới mức mà họ đã đặt một bức tường ngăn cách trong studio và mọi người phải xác nhận dấu vân tay thì mới vào được khu vực "tuyệt mật" đó.
Giờ đây khi mọi thứ đã được công bố, Gelli đã sẵn sàng chia sẻ nhiều thông tin hơn đằng sau dự án của mình và dưới đây là một vài điều vô cùng thú vị mà bạn có thể hứng thú.
Núi Huynh Đệ (Ảnh: Rodrigo Soldon)
Gelli chia sẻ rằng anh đã có ý tưởng về logo 3D khi đang bơi ở biển Ipanema. "Tôi bơi dưới nước và khi ngoi lên mặt nước, tôi nhìn thấy Dois Irmãos (Núi Huynh Đệ). Và như đã nói từ trước, vì sống giữa một thành phố nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc nên chúng tôi cần tạo ra một chiếc logo có tính hài hòa. Tất cả các đường cong của hình dạng logo đều được truyền cảm hứng từ những ngọn núi của Rio de Janeiro – không chỉ là Sugarloaf mà còn là tất cả các ngọn núi khác".
"Đây chính là logo nguyên bản. Bạn có thể thấy biểu tượng này trong các hang động cách đây 1 triệu năm và ngày nay, chúng cũng xuất hiện nhiều tại các trường học. Sử dụng nó khiến cho logo trở nên mạnh mẽ hơn bởi vì trong tất cả các nền văn hóa, nó đều mang một ý nghĩa tốt đẹp – đại diện cho sự thống nhất và quyền lực. Ngoài ra, tùy thuộc vào mỗi người mà họ có thể sẽ cảm nhận được những ý nghĩa khác. Thậm chí, thị trưởng thành phố Rio còn nói rằng ông còn nhìn thấy được thành phố Rio trong đó", Gelli nói với giọng hài hước.
Sự cải tiến của logo
Mặc dù Tátil đã có một concept 3D từ những bản phác thảo đầu tiên nhưng logo lại được ra đời dưới dạng biểu diễn bằng đồ họa bởi vì đây vẫn là cách thể hiện chính. Tuy nhiên, khi team đã có hình dạng cuối cùng của logo thì Tátil đã quay trở về sử dụng 3D modeling để xem thử liệu logo sẽ trông như thế nào dưới dạng 3D và liệu có những cách thể hiện nào khác cho ý tưởng đó. "Chúng tôi muốn mọi người có thể nhìn thấy bản chất của một sản phẩm 3D trong một phiên bản 2D hoàn toàn khác", Gelli giải thích.
Logo Olympic Rio 2016 và logo Paralympic Rio 2016 - cả hai đều được thiết kế bởi Tátil Design
Gelli chia sẻ: "Chúng tôi có một thành phố và một nền văn hóa đa sắc màu. Những màu sắc đó được kết nối với bản chất con người ở đất nước tôi. Màu xanh lá cây đại diện cho Tijuca Forest – một trong những ngọn núi lớn nhất thế giới, màu xanh da trời là đại dương – nơi có những dòng nước mát lạnh và màu vàng/cam được truyền cảm hứng từ khí hậu ấm áp".
Sau khi hình ảnh của logo đã được hoàn thiện, bước tiếp theo đó là thiết kế một bộ ký tự giới hạn. Kiểu chữ được thực hiện bởi một công ty khác nên Tátil Design phải tìm mọi cách để logo vừa đảm bảo sự duyên dáng vừa phối hợp ăn ý về mặt hình ảnh với chữ "Rio 2016".
"Ban đầu, vì biểu tượng logo rất mạnh mẽ nên chúng tôi quyết định tạo kiểu chữ gọn gàng mà không cần phải sở hữu nhiều tính cách. Logo vẫn đóng vai trò chủ đạo và chữ sẽ khiến nó trở nên nổi bật hơn. Tuy nhiên, Ủy ban Olympic đã yêu cầu logo cần có cùng nhận dạng với kiểu chữ. Do vậy, chúng tôi đã thuê một chuyên gia Typography vẽ ra 150 kiểu chữ khác nhau trên giấy để tìm kiếm một kiểu phù hợp nhất với biểu tượng – những đường cong, bản vẽ logo, ý nghĩa logo - trước khi chọn được sản phẩm cuối cùng".
Khoảng 18 tháng sau khi logo Rio 2016 được Tátil Design hoàn thiện thì Dalton Maag nhận được thông báo thiết kế font chữ. Tương tự, cuộc gặp gỡ với Maag cũng được thực hiện một cách bí mật.
Maag nói rằng thông báo mà anh nhận được đó là font chữ phải là bản sao chính xác các ký tự trong logo và điều này thực sự là một thử thách vì quá trình sáng tạo đã bị đảo ngược. "Thường, chúng tôi sẽ tạo font, sau đó, mới làm logo" và Maag cũng chỉ có 3 ký tự R-I-O và 4 con số 2-0-1-6 để sáng tạo. Dưới đây là hình ảnh về quá trình mà Maag và 6 thành viên trong đội của anh đã xây dựng chúng – gần 500 ký tự tất cả (kể cả những ký tự được lặp lại nhiều lần).
Phiên bản của chữ "n" - được bắt chước giống như đường cong của một ngọn sóng
"Điểm khác biệt giữa logo và font đó là trong một logo, sự kết hợp các ký tự sẽ tạo thành một bộ (set), còn trong font, mỗi ký tự cần được thiết kế đẹp và khớp với các ký tự khác", Maag nói. "Trong logo, một vài ký tự rất dễ thay đổi như "R" hay "2" nhưng "1" và "o" thì ngược lại. Do vậy, việc tìm kiếm sự cân bằng để có thể kết hợp được trong một hệ thống hài hòa như vậy là thử thách lớn nhất của chúng tôi".
"Coi như đã có các ký tự "R", "i", "o" và chúng tôi chỉ cần điều chỉnh kích thước của chúng. Tuy nhiên, cái khó ở đây là không thể nào sử dụng cùng các ký tự đó (với cùng tỷ lệ) vào trong logo được vì thiếu sự kết nối với những chữ còn lại. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu sử dụng những từ khác nhau – bao gồm "passion" (đam mê) và "transformation" (sự chuyển đổi) – có nhiều nét chữ ghép (ligature) để xem thử liệu một chữ cái có thể được kết nối và khớp với các chữ khác".
Haag tiếp tục chia sẻ: "Lựa chọn được những chữ phù hợp là điều cốt lõi tạo nên thành công của một concept. Ở đây bạn có chữ "passion" (đam mê) và phía dưới bạn có thể nhìn thấy khá nhiều sự tương tự trong "Rio 2016. Sau đó, chúng tôi mở rộng với 23 concept và bắt đầu so sánh chúng với một font khác (font viết chữ "passion"). Đến concept thứ 24, chúng tôi sử dụng từ "transformation" [Transformação] có 3 chỗ được nối lại với nhau (ligature), bao gồm "s", "f", "o" và bạn có thể nhìn thấy sự kết hợp này ở "1" và "6" trong từ Rio 2016".
Các font chữ được so sánh với font khác trong hai từ "transformation" (Transformação) và "passion" (Paixao)
"Một thử thách khác đó chính là việc cải tiến sự liên kết giữa các chữ cái như thể một điểm khác biệt là chưa đủ tốt. Tôi bắt đầu phóng to các chữ cái trên những tờ giấy lớn, sau đó thay đổi kết nối giữa chúng và thu nhỏ font chữ trên máy tính. Để font trông giống như được viết tay và tự nhiên, chúng tôi đã phải tạo ra rất nhiều ký tự thay thế. Có tận hai phiên bản của ký tự "b, "d", "p", "g" và phiên bản được chọn được dựa trên những ký tự đứng trước và sau nó. Nhờ vậy, các kết nối trở nên thanh thoát hơn nhiều".
"Để nắm rõ các font sẽ trông như thế nào, điều quan trọng là phải hiểu cách chúng được viết. Chúng tôi nhận ra rằng tạo ra một bản sao của logo không nằm ở việc dùng bút để viết thứ gì đó mà là họa tiết và độ lớn của các nét đi kèm tốc độ. Chẳng hạn, chữ "n" giống như một cơn sóng. Bất cứ chỗ nào trên một font script cổ điển, bạn cũng dễ dàng nhìn ra được các dấu vết để tiếp tục chỉnh sửa và tạo liên kết giữa các ký tự. Việc luyện tập trên giấy là điều rất quan trọng để xem logo gốc được viết như thế nào, có nổi bật không, có "hồn" không và liệu nó sẽ tạo ra sự kết nối như thế nào giữa các chữ cái".
Độ dày và độ cong của các ký tự đã được cân nhắc và sửa lại để tạo sự kết nối với các chữ khác trong bảng mẫu tự
Các chữ cái và con số tạo nên font của Olympic 2016
"Đối với project này, chúng tôi đã phải thực hiện cẩn thận hơn để tạo ra một sản phẩm tốt nhất được chiêm ngưỡng bởi hàng trăm triệu người trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi không hề có sự phân biệt và cũng không hề nhận ra rằng mình đã phải tạo ra tới 23 phiên bản khác nhau để có được kết quả cuối cùng. Font là tài sản của client – là tài sản quan trọng nhất khẳng định cho bản sắc riêng của họ".
Nguồn: Quan Tri Mang