Bên cạnh việc giới thiệu bộ xử lý Core i thế hệ thứ ba, Intel cũng công bố một loạt chipset bo mạch chủ 7-series (tên mã Panther Point) với thiết kế tối ưu cho bộ xử lý mới.
Theo lộ trình giới thiệu sản phẩm mới, Intel đã công bố một loạt chipset bo mạch chủ (BMC) 7-series (tên mã Panther Point) hỗ trợ bộ xử lý (BXL) Ivy Bridge socket 1155 LGA trong tháng 4/2012 vừa qua.
Theo đó, nền tảng máy tính để bàn (PC Platform) có 3 chipset mới là Z75, Z77 và H77. Nền tảng di động có đến 4 chipset là HM75, HM76, HM77 và UM7. Bên cạnh đó, Intel cũng tiếp tục “nâng cấp” dòng chipset dùng trong môi trường doanh nghiệp gồm Q77, Q75 và B75 hỗ trợ công nghệ Small Business Advantage, kết hợp một loạt tính năng quản lý từ xa và bảo mật mới. Tuy nhiên trong giới hạn bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến những chipset hỗ trợ BXL Ivy Bridge dành cho nền tảng máy tính để bàn.
Khác với chipset 6-series (Cougar Point) được thiết kế 3 dòng khác nhau là H, P và Z hướng đến những đối tượng người dùng riêng biệt, với chipset 7-series (Panther Point), Intel chỉ đưa ra 2 dòng chipset là dòng H hướng đến phân khúc phổ thông và dòng Z hướng đến phân khúc tầm trung hỗ trợ những công nghệ ép xung mạnh.
Bảng đặc tả kỹ thuật Intel công bố cho thấy cả hai chipset dòng H lẫn Z mới vừa hỗ trợ tuyến FDI (Flexible Display Interface) cho phép GPU tích hợp trên BXL xuất tín hiệu hình ảnh ra các ngõ giao tiếp trên BMC vừa hỗ trợ tuyến PCI Express 3.0 x16 do BXL Ivy Bridge quản lý dành riêng cho card đồ họa rời. Điểm cần lưu ý là chipset H77 không hỗ trợ ép xung BXL và Z75 không hỗ trợ công nghệ Smart Response (SRT).
Cũng cần lưu ý là trong chu kỳ phát triển sản phẩm mới của Intel thì bộ đôi chipset 7-series và BXL Ivy Bridge thuộc chu kỳ tick; là giai đoạn thu nhỏ công nghệ chế tạo và tinh chỉnh vi kiến trúc cũ (Tham khảo: Công nghệ Tri-Gate 22nm trong bộ xử lý Ivy Bridge). Vì vậy, có thể nhận thấy là ngoài việc bổ sung cổng kết nối tốc độ cao USB 3.0 thì chipset mới Panther Point không có nhiều thay đổi so với Cougar Point mà chủ yếu tập trung vào việc cải thiện hiệu năng, tối ưu hóa những công nghệ, tính năng hỗ trợ sẵn có.
Cụ thể Panther Point cũng hỗ trợ sẵn 8 tuyến PCI Express 2.0 1x, 6 ngõ SATA (2 SATA 3.0 và 4 SATA 2.0), có đến 14 cổng USB (10 USB 2.0 và 4 USB 3.0) và không hỗ trợ tuyến PCI truyền thống. Việc tăng gấp đôi băng thông tuyến PCIe dành cho card mở rộng lên 5GT/s (so với 2,5GT/s của PCIe 1.x) cho phép các NSX BMC tận dụng tốt hơn lượng băng thông này để bổ sung một số giao tiếp mà chipset Panther Point không hỗ trợ, chẳng hạn giao tiếp PCI truyền thống với chip chuyển kênh PCIe to PCI Bridge Controller.
Công nghệ đồ họa lai
Tương tự công nghệ dual graphics của AMD và Optimus của nVidia, chipset Panther Point cũng hỗ trợ công nghệ đồ họa lai với tiện ích Virtu của Lucidlogix nhằm tận dụng sức mạnh xử lý 3D của card đồ họa rời (dGPU) và công nghệ Quick Sync Video của đồ họa tích hợp (iGPU) trong việc dựng hình.
Virtu cho phép người dùng kết hợp giữa card đồ họa tích hợp và card đồ họa rời, tùy thuộc vào loại ứng dụng, hệ thống sẽ chọn loại card đồ họa phù hợp (theo những thiết lập, cấu hình sẵn) nhằm tối ưu hóa hiệu năng cũng như điện năng tiêu thụ. Chẳng hạn với ứng dụng văn phòng, trình chiếu phim ảnh hoặc chơi game giải trí nhẹ nhàng, hay chuyển đổi video (công nghệ Intel Quick Sync Video của iGPU chuyển đổi video nhanh hơn so với đồ họa rời), hệ thống sẽ sử dụng đồ họa tích hợp và tự động chuyển sang card đồ họa rời với game “hạng nặng” hoặc những ứng dụng đòi hỏi khả năng xử lý đồ họa cao. Ngoài ra, Lucid Virtu có thể hoạt động tốt với cả card đồ họa rời của AMD lẫn nVidia.
Công nghệ hồi đáp nhanh
Ngoài Smart Response thì các chipset Panther Point còn hỗ trợ hai công nghệ Rapid Start và Smart Connect nhằm nâng cao khả năng đáp ứng, tính sẵn sàng của hệ thống cũng như đảm bảo dữ liệu người dùng luôn được cập nhật thông qua điện toán đám mây.
Z77 và H77 cũng hỗ trợ công nghệ Smart Response (SRT), giải pháp lưu trữ kết hợp giữa SSD và HDD nhằm cải thiện tốc độ truy xuất dữ liệu với chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với chỉ dùng ổ SSD. SRT hoạt động theo nguyên lý sử dụng ổ SSD làm nơi lưu trữ tạm dữ liệu trước khi ghi chúng lên ổ cứng để kết thúc phiên làm việc. Một số thử nghiệm của Test Lab khi so sánh hiệu năng của 3 giải pháp lưu trữ là HDD, SDD và SRT cho thấy tốc độ truy xuất dữ liệu của SSD nhanh hơn khoảng 6,7 lần và giải pháp SRT (chế độ Enhanced) cũng nhanh hơn khoảng 3,6 lần so với HDD truyền thống.
Với hệ thống trang bị ổ SSD đi kèm hệ điều hành tương thích, công nghệ Rapid Start giúp cải thiện đáng kể quá trình khởi động cũng như thời gian chuyển từ chế độ hibernate sang trạng thái sẵn sàng. Ngoài ra, Rapid Start còn giúp tiết giảm mức điện năng hệ thống tiêu thụ trong chế độ Hybrid sleep (kết hợp giữa hai chế độ Hibernation và Sleep) thường sử dụng với máy tính để bàn.
Công nghệ Smart Connect được thiết kế cho những “tín đồ” Internet, cho phép máy tính cập nhật những thông tin mới trên mạng xã hội, ứng dụng web hay email mới cả khi máy tính đang ở chế độ ngủ (sleep). Nguyên tắc hoạt động của Smart Connect dựa trên việc thiết lập máy tính sẽ “thức giấc” theo chu kỳ thời gian định trước để cập nhật thông tin mới và sau đó tiếp tục trở lại chế độ ngủ.