Thủ thuật sửa máy tính, bảo trì máy tính, bảo dưỡng máy tính
Có khá nhiều lỗi hệ thống có nguồn gốc từ hư hỏng trên hệ thống đồ họa trong máy tính. Vì vậy việc phát hiện ra chúng, và tìm cách khắc phục, là một trong những kỷ năng mà người dùng máy tính nên có.
Để tránh việc luôn phải gọi điện cho bộ phận hỗ trợ kỹ thuật, sau đây là những dấu hiệu cho biết lỗi hệ thống mà bạn gặp phải có liên quan đến phần cứng đồ họa.
Quạt trên card đồ họa bị hỏng
Bạn nghe tiếng quạt kêu rít hoặc tạo ra tiếng động rất lớn trong thùng máy. Sau khi kiểm tra quạt CPU, quạt nguồn, quạt ổ đĩa cứng hay quạt thùng máy đều hoạt động tốt, bạn sẽ dể dàng nhận ra chiếc quạt đang gắn trên card đồ họa là nguyên nhân gây ra tiếng động ấy.
Biện pháp xử lý trước tiên là làm sạch nó bằng bình khí nén, cọ nhỏ hay khăn ẩm. Bạn cũng có thể nhỏ một ít dầu máy may vào trục của nó để làm trơn. Nếu hiện tượng này không được giải quyết, bạn sẽ cần thay quạt mới. Tuy nhiên, hầu hết các quạt gắn trên card đồ họa đều được nhà sản xuất gắn chặt vào quạt. Vì thế, rất có thể bạn sẽ phải thay thế chiếc card màn hình ấy bằng một chiếc mới đấy.
Màn hình tối đen
Nghe có vẻ như đang đùa, nhưng việc làm trước tiên mà bạn cần thực hiện, khi ai đó thông báo rằng màn hình tối đen, là hãy kiểm tra xem màn hình đã được bật nguồn hay chưa. Dây cắm nguồn màn hình phải được cắp vào ổ cắm có điện. Kế đến nút bật nguồn trên màn hình cũng phải chuyển sang chế độ ON. Hầu hết các màn hình đều có một chiếc đèn nhỏ cho biết nó đã được cấp nguồn. Vì thế bạn đừng quên quan sát chiếc đèn ấy trước khi thực hiện các sửa chữa khác.
Bước kế tiếp là bạn kiểm tra sợi dây cáp tín hiệu nối giữa màn hình và card đồ họa. Hai đầu cắm của cáp cần được xiết chặt vào các đầu nối trên card và trên màn hình. Một vấn đề khác cần kiểm tra là các chân đồng bên trong đầu cắm phải còn nguyên vẹn, không bị cong vênh hay bị bẻ gãy.
Một lỗi khác nữa gây ra hiện tượng màn hình tối đen là card đồ họa bị sút khỏi khe cắm. Trường hợp này bạn phải tắt nguồn máy tính, rút card đồ họa ra khỏi khe cắm. Sau khi đã làm sạch các chân đồng bằng cục tẩy, làm sạch khe cắm bằng bình khí nén, bạn hãy cắm card đồ họa trở vào khe cắm thật chặt, và khởi động lại máy tính.
Hình ảnh hiển thị sai lệch trên màn hình
Có một số hiện tượng liên quan đến việc hình ảnh bị hiển thị sai trên màn hình. Đầu tiên là toàn bộ hình ảnh bị lệch sang trái, sang phải, lên trên hoặc xuống dưới. Hình ảnh không nằm trọn trong màn hình mà bị che khuất một bên. Ngoài ra, hiện tượng hay gặp nữa là độ phân giải bị quá to hay quá nhỏ làm cho các văn bản trở trên màn hình nên rất khó đọc.
Để giải quyết hiện tượng hình ảnh bị lệch sang các cạnh màn hình, bạn hãy dùng các nút chức năng điều chỉnh trên chính màn hình đó. Có hai nhóm nút chức năng chính giúp đưa hình ảnh vào đúng khung hiển thị của màn hình là di chuyển màn hình, và thay đổi kích cở hình ảnh hiển thị. Nghĩa là nếu do hình ảnh quá to nên vượt khỏi khung, thì bạn thu nhỏ nó lại. Còn nếu hình ảnh bị lệch sang hướng nào, thì bạn di chuyển nó về theo hướng ngược lại.
Về độ phân giải màn hình bị sai lệch, thì bạn thay đổi trong phần thuộc tính hiển thị Display Properties của hệ điều hành. Nếu vẫn bị lỗi, thì bạn cần cài đặt lại chương trình điều khiển (Driver) dành cho card đồ họa và cả màn hình đó.
Màu sắc trên màn hình bị nhòe hay hiển thị không đúng màu
Gặp lỗi này bạn sẽ nhìn thấy màu sắc trên hình ảnh hiển thị không đúng. Chẳng hạn như lá cờ khi xem trên máy khác có màu đỏ, nhưng khi xem trên màn hình của bạn thì lại có màu cam hoặc vàng hay nâu. Trường hợp nặng hơn là việc hiển thị trên màn hình bị lệch lạc đến mức không thể đọc được thông tin gì trên đó.
Lỗi hiển thị sai màu có nguyên nhân thường nhất là do bạn chọn sai độ sâu màu trong phần cấu hình hiển thị của Control Panel. Còn trong trường hợp việc hiển thị lệch lạc, thì đa phần là do trình điều khiển thiết bị không phù hợp. Bạn cần lên trang web của nhà sản xuất để tải về trình điều khiển thiết bị mới nhất dành cho card đồ họa và màn hình, rồi cài đặt chúng.
Việc dây cáp nối giữa màn hình và card đồ họa bị cong hay gãy chân cũng làm cho màn hình bị mất một vài màu. Khi đó bạn sẽ nhìn thấy màn hình không hiển thị đúng một trong ba màu xanh lá, xanh dương, hay đỏ. Và màn hình có thể bị phủ lên một lớp màu hồng, hay xanh lơ.
Để kiểm tra, bạn dùng một sợi cáp mới để thay thế cho sợi cáp đang dùng. Các vị trí tiếp xúc giữa cáp và đầu cắm trên card đồ họa hay card màn hình cũng cần được kiểm tra để chắc rằng chúng đã được cắm thật chặt. Các đầu cắm còn có ốc xiết để đảm bảo chúng được giữ cố định. Hãy xiết chặt hai ốc giữ ấy, sau khi bạn đã cắm thẳng đầu cắm vào card.
Không nhận ra card màn hình gắn ngoài
Hiện nay có rất nhiều loại card màn hình gắn ngoài, thông qua cổng USB. Chúng giúp bạn có thêm nhiều cổng kết nối với màn hình, màk hông phải bận tâm về việc bo mạch chủ có còn khe gắn trống hay không. Nếu hệ thống không thể nhận ra card màn hình loại gắn cổng USB, bạn hãy rút thiết bị ra khỏi cổng USB, xóa tên nó trong danh sách Device Manager, và khởi động lại máy tính.
Sau đó, chờ đến khi máy tính khởi động xong, bạn gắn thiết bị trở lại máy tính và cài đặt chương trình điều khiển thiết bị trong đĩa CD đi kèm. Để kiểm tra và chắc chắn rằng bộ card đồ họa gắn ngoài còn hoạt động tốt, bạn có thể gắn nó sang các máy tính khác để thử.
-=Sưu Tầm=-