lỗi
  • JUser: :_load: Không thể nạp user với ID: 50
  • JUser: :_load: Không thể nạp user với ID: 49
  • JUser: :_load: Không thể nạp user với ID: 46
  • JUser: :_load: Không thể nạp user với ID: 48
  • JUser: :_load: Không thể nạp user với ID: 47

Những phần mềm thất bại của mọi thời đại

1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 Rating 0.00 (0 Votes)
Để đưa ra thị trường một sản phẩm phần mềm đòi hỏi nhà sản xuất phải tốn rất nhiều công sức, trải qua nhiều công đoạn phát triển, kỳ công từ thiết kế, lập trình, cho đến kiểm thử. Thế ... Để đưa ra thị trường một sản phẩm phần mềm đòi hỏi nhà sản xuất phải tốn rất nhiều công sức, trải qua nhiều công đoạn phát triển, kỳ công từ thiết kế, lập trình, cho đến kiểm thử. Thế nhưng, phần mềm khi ra thị trường có thể thành công cũng có thể thất bại nhanh chóng. Đôi khi thất bại là do đối thủ cạnh tranh đã tung ra thị trường một sản phẩm cùng tính năng nhưng hoạt động tốt hơn hay sự thay đổi thị trường khiến phần mềm đó trở nên lỗi thời, không hiệu quả.

Dưới đây là những phần mềm mà nhà sản xuất đã có những bước đi sai lầm nhất trong biên niên sử của lịch sử máy tính. Trong số này có những cái tên đình đám như Apple và Microsoft. Nhiều công ty tiềm lực mạnh có cơ hội để sửa chữa sai lầm nhưng cũng có những sai lầm trở thành hồi chuông báo tử  cho vài hãng công nghệ.

Lotus Jazz
Lotus 1-2-3 là chương trình bảng tính của hãng phần mềm Lotus thuộc tập đoàn IBM được trình làng hồi năm 1980 . Đây là ứng dụng quan trọng và phổ biến đầu tiên của IBM 5150, đóng góp không nhỏ vào thành công của hệ thống máy tính cá nhân này. Lotus 1-2-3 cho phép người dùng đối chiếu và so sánh dữ liệu nhanh hơn và hiệu quả hơn bao giờ hết vào thời điểm đó. Nhờ vào Lotus 1-2-3, IBM đã kiếm được nhiều tiền từ phần mềm hơn cả Microsoft cùng thời điểm. Nhưng, những nỗ lực trong việc phát triển phiên bản mới của phần mềm Lotus 1-2-3 là Lotus Jazz cho máy Macintosh của Apple lại thất bại thảm hại. Lotus Jazz là bộ sản phẩm tích hợp bao gồm một bộ xử lý văn bản, chương trình lập bảng tính, biểu đồ, cơ sở dữ liệu, và phần mềm liên lạc. Giá bán lẻ bộ sản phẩm này lên đến 595 USD và người dùng muốn sử dụng chúng thì phải liên tục thay đổi 4 đĩa mềm khi chạy chương trình. Giá bán đắt đỏ, kèm với đó là phương thức sử dụng phiền toái đã khiến phần mềm này phát hành vào năm 1985 trở thành thảm họa đối với IBM và tạo cơ hội cho đối thủ Microsoft đưa Excel lên Macintosh.

Nhiều chuyên viên máy tính tin rằng, nếu Lotus tập trung phát triển 1-2-3 cho Mac thay vì Jazz, rất có thể bây giờ đã kỷ niệm hơn 30 năm thành công của Lotus.

OpenDoc
Mô đun là một trong những điểm then chốt của nhiều dự án phần mềm và Apple muốn tận dụng không gian phần mềm của các đối tác để phát triển ứng dụng OpenDoc vào cuối những năm 1990. Thật không may, phương thức mà Apple đã làm với ứng dụng này lại thất bại thảm hại.

Cốt lõi của OpenDoc là một hệ thống giúp lưu trữ các nội dung thuộc những định dạng phổ biến, với nhiệm vụ  tái sử dụng và cho phép các nhà phát triển kết hợp với những gì họ phát triển. Apple đã từng cố gắng đưa OpenDoc vào mọi dự án hợp tác với nhiều đối tác khác nhau nhưng đòi hỏi những tiêu chuẩn bộ nhớ rất khác thường như hệ soạn thảo văn bản cần tới 2MB RAM – một con số xa xỉ về dung lượng nhớ vào những năm 1997. Ngoài ra, tài liệu được tạo ra trong OpenDoc không tương thích với các nền tảng phần mềm lớn khác khiến người dùng gặp khó khăn trong việc chia sẻ và tương tác với hệ máy PC.

Một trong những hành động đầu tiên của Steve Jobs khi trở lại Apple vào năm 1997 là xoá bỏ OpenDoc khỏi hệ thống của công ty. Điều này có nghĩa rằng mọi ứng dụng thuộc bên thứ ba liên quan đến ứng dụng này cũng chịu chung số phận. Khi gặp phải sự phản đối từ các nhà phát triển của OpenDoc, Steve đã phát biểu: “Để đưa ra được những sản phẩm tốt nhất, chúng ta cần biết cách nói ‘Không’ với những thứ không phù hợp”.

Microsoft Bob
Không thể phủ nhận rằng Microsoft là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến cách mà chúng ta sử dụng máy tính. Thời kỳ đầu, với những lời cáo buộc về việc Windows của Microsoft ăn theo Mac OS của Apple đã khiến Bill Gates và đồng nghiệp của mình muốn có một hệ điều hành khác biệt. Giao diện đồ họa người dùng Microsoft Bob được phát hành tháng 3/1995, là một tính năng có sẵn trên hệ điều hành Windows 95.

Microsoft Bob mang đến cho người dùng giao diện như một căn nhà và trong đó các biểu tượng đại diện cho các tính năng khác nhau nhưng sẽ không ai biết cho đến khi nhấp chuột vào. Ý tưởng của Microsoft Bob là hướng tới việc cung cấp những chỉ dẫn dễ hiểu nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa người dùng và PC. Nhưng việc thiếu đầu tư và chăm chút cho ứng dụng này đã khiến nó trở thành một trong những thảm họa của Microsoft cũng như của hệ điều hành Windows. Microsoft Bob được bán với giá gần 100 USD nhưng lại có yêu cầu phần cứng cao cấp và hoàn toàn không xứng đáng với những gì người dùng phải bỏ ra.

E.T. The Extra-Terrestrial
Trong những ngày đầu của video game, chi phí của phần mềm rất cao bởi vì nó sử dụng định dạng Cartridges. Không giống như đĩa mềm giá rẻ, những công ty sản xuất game như Atari đã trả phải thêm chi phí cho mỗi con chip và vỏ bên ngoài cho trò chơi mà họ thực hiện.

Vì vậy, khi Atari phát hành 5 triệu bản của trò chơi E.T. The Extra-Terrestrial dựa trên bộ phim kinh điển của Steven Spielberg đã khiến chi phí sản xuất của công ty phát sinh nghiêm trọng (chưa kể khoản tiền bỏ ra mua bản quyền chuyển thể từ bộ phim). Với danh tiếng của bộ phim E.T. The Extra-Terrestrial, tựa game cùng tên đã bán ra được hơn 2,5 triệu bản trong 4 tuần đầu tiên. Tuy nhiên lối chơi hết sức nhàm chán, lại thiếu vắng hoàn toàn các chỉ dẫn cần thiết để người chơi hiểu ra mình cần phải làm gì trong game đã khiến E.T bị đánh giá là tựa game dở chưa từng có, đồng thời cũng là nguyên nhân khiến Atari thua lỗ nặng nề trong giai đoạn 1983-1984 . Hãng phát hành Atari từng phải dùng tới 14 xe tải chất đầy những băng game không bán được đi chôn tại bãi rác New Mexico vào năm 1983.

Joost
Truyền hình trực tuyến (streaming video) ngày nay nổi bật với Netflix, Hulu, Amazon với những khoản doanh thu khổng lồ. Hình thức xem video trực tuyến đã xuất hiện từ những năm 2007 khi hai nhà phát minh Niklas Zennstrom và Janus Friis đến từ châu Âu đã giới thiệu nền tảng Joost miễn phí, có quảng cáo, giống TV nhưng xem trên màn hình máy tính.

Niklas Zennstrom và Janus Friis nổi danh với Skype nên dễ dàng kêu gọi được thêm 45 triệu USD tiền đầu tư và dồn tất cả cho các nhà cung cấp nội dung. Do Joost chạy ở chế độ nền và dùng phương thức nối mạng ngang hàng để hỗ trợ tải về, người dùng thời điểm đó đã bị vắt kiệt băng thông vốn dĩ đang hạn hẹp của mình nhanh chóng.

Sau khi tung ra vào tháng 9/2007, Joost đã không vượt qua được cái mác ý tưởng và những gì còn lại của mớ hỗn độn đã bị bán đi vào cuối năm 2009.

Google Lively
Google nổi tiếng với việc khuyến khích giả lập trong phát triển sản phẩm, và rất nhiều lần điều đó đã mang đến thành công cho hãng công nghệ này. Nhưng đôi khi công cụ giả lập của Google lại tạo ra những thứ khá vô dụng và lãng phí. Chúng ta còn ai có thể nhớ đến Google Lively? Có thể chẳng còn ai nhớ đến phần mềm đó, nhưng đó là nỗ lực của gã khổng lồ công nghệ để cạnh tranh với mạng xã hội ảo Second Life.

Lively là một thế giới ảo dựa trên nền Web được chạy trên trình duyệt của người dùng và cho phép mọi người có thể trò chuyện với nhau trong không gian 3D. Google cho biết họ tạo ra Lively bởi vì dịch vụ này “có thể làm cho người dùng tương tác với bạn bè của họ và thể hiện bản thân khi online”.

Tuy vậy, các vấn đề về server cùng sự phổ biến nhanh chóng của Facebook và các ứng dụng chat OTT đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mạng xã hội ảo này.

Mặc dù Lively không phải là một trong những sáng kiến lớn nhất của Google nhưng được ghi nhận là phần mềm thất bại gần như ngay lập tức của hãng. Google Lively bị đóng cửa sau chưa đầy 5 tháng ra mắt thị trường vào hồi 31/12/2008.

Navigator 6.0 
Cuộc chiến trình duyệt là một trong những chiến trường đầu tiên đánh dấu sự bùng nổ của Internet vào cuối những năm 1990 với Internet Explorer và Netscape Navigator là 2 đấu thủ chính.

Đến năm 1997, trong nỗ lực vượt qua Netscape Navigator đang được chuộng khi đó, Microsoft phát hành Internet Explorer 4 (IE4) và đóng gói sẵn trong hệ điều hành Windows đã gần như thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. IE4 ra mắt bộ render engine (dựng hình trang web) có tên Trident. Trident là một bộ engine mang tính cách mạng: bắt đầu với bộ engine này, các nhà phát triển có thể chèn giao diện duyệt web vào bên trong ứng dụng của họ.
Với những sự thay đổi của IE4, thế giới chờ đợi sự thay đổi của Netscape để đáp trả lại Microsoft trong cuộc chiến trình duyệt. Netscape đã phát hành lõi trình duyệt của mình như là mã nguồn mở và chính đó đã tạo ra Firefox sau này.

Tuy nhiên điều đó không giúp Netscape có được một phiên bản mới tiên tiến hơn, mặc dù cuối năm 2000, hãng đã ra mắt Navigator 6.0. Trình duyệt này khá cồng kềnh và gặp nhiều lỗi phản hồi, thậm chí Navigator 6.0 không chạy trên một số dòng máy PC trong một thời gian dài. Sự kiện phát hành Navigator 6.0 đầy thảm họa này cũng đánh dấu khởi nguồn của sự suy giảm và thất bại của Netscape sau này.

Microsoft Vista
Ra mắt phiên bản hệ điều hành luôn là một sự kiện lớn của bất kỳ hãng phần mềm nào. Và dĩ nhiên Windows Vista được coi là con át chủ bài của Microsoft vào năm 2007. Chiến dịch quảng cáo rầm rộ và hàng loạt tính năng mới cập nhật được tung hô với mục đích chiêu dụ người dùng thay thế Windows XP vốn đang dần bị lão hóa. Tuy nhiên, Vista đã gặp phải sự lạnh nhạt của thị trường khi có tới hơn 70% doanh nghiệp Mỹ từ chối không nâng cấp lên phiên bản mới này, thậm chí, con số này còn lớn hơn ở khối người dùng cá nhân.

Lý do đầu tiên khiến Vista thất bại chính là việc đòi hỏi cấu hình phần cứng quá cao so với phiên bản cũ. Thời điểm người dùng vẫn còn làm việc với Pentium 4 thì Vista đòi hỏi chip lõi kép, 2GB RAM trở lên. Ngoài ra việc Vista dùng tổng cộng 50 triệu dòng code, trong khi XP chỉ có 35 triệu vào thời điểm ra mắt và lên tới 40 triệu sau hàng trăm bản cập nhật khiến phần mềm này chậm chạp và ì ạch hơn bao giờ hết. Microsoft trình diện một Vista hào nhoáng nhưng không tương thích với nhiều phần cứng trên thị trường chưa kể việc nhồi nhét quá nhiều tính năng bảo mật khiến người dùng liên tục bị yêu cầu xác nhận mọi tác vụ dù nhỏ nhặt nhất.

Sunset
Nhà phát triển Tale of Tales được biết đến với những trò chơi mang phong cách riêng và cách tiếp cận độc đáo. Mặc dù các tựa game khá nặng nề và được đặt quá nhiều kỳ vọng nhưng Tale of Tales cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà phát triển khác để phá vỡ những lối mòn trước đây. Nhưng không phải tựa game nào của hãng này cũng thành công như mong đợi. Năm 2015, Tale of Tales đưa ra dự án game Sunset lên Kickstarter (trang gọi vốn cộng đồng) với nỗ lực bứt phá ra khỏi thị trường vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Lấy nguồn cảm hứng từ Gone Home và Dear Estherr, Sunset cho phép người chơi vào vai một nữ quản gia. Tựa game này mang đến  khả năng tương tác với chủ của ngôi nhà thông qua một vài hành động như viết thư, để lại quà và tùy thuộc mỗi việc làm đó mà ảnh hưởng tới thái độ của người chơi và nhân vật. Trong khi đó, bên ngoài căn hộ là những cuộc chiến ác liệt, những đợt biểu tình và phát động phong trào phản đối chính phủ. Người chơi có thể tham gia vào cuộc chiến này theo cách mình muốn. Tựa game đã mang đến nhiều khái niệm hấp dẫn trong việc tương tác nhưng nó lại bị phá hỏng bởi việc sử dụng bối cảnh của cuộc cách mạng lịch sử. Sự nhàm chán trong lối chơi và những lỗi kỹ thuật khiến người chơi sớm mất kiên nhẫn với nó. Sunset kêu gọi được hơn 67 ngàn USD trên Kickstarter nhưng chỉ tiêu thụ được 4.000 bản trong tháng đầu tiên trong đó hơn phân nửa là tặng cho các nhà đầu tư. Tựa game Sunset nhanh chóng rơi vào quên lãng còn vì thiếu chiến dịch quảng bá, và Tale of Tales cuối cùng quyết định chấp dứt việc làm game thương mại.

iTunes Ping
Apple luôn đặt mình vào tâm thế là cân bằng hoàn hảo phần cứng với mọi phần mềm. Những sản phẩm như máy nghe nhạc iPod và iPhone luôn đạt được những thành tựu đáng nể nhưng iTunes – phần mềm để kết nối mọi thứ của Apple lại là cơn ác mộng đối với rất nhiều người dùng trước đây.
Vào năm 2010, Apple đưa ra thông báo về việc trang bị trên iTunes một không gian mạng xã hội âm nhạc với tên gọi Ping đã không tạo được sự thu hút với người dùng, dù Steve Jobs tuyên bố Ping là sự kết hợp giữa Facebook, Twitter với iTunes.

Phần mềm này nhắm tới những người có cùng sở thích, nhưng người dùng chỉ có thể chọn 3 thể loại âm nhạc để quan tâm. Vấn đề tồi tệ hơn khi chỉ sau 1 ngày ra mắt, Ping ngập trong thư rác quảng bá của những nghệ sỹ vô danh đang muốn quảng bá để nổi tiếng. Ngoài ra, Apple đã quá tự tin khi tuyên bố Ping cung cấp những đoạn nhạc mẫu dài đến 30 giây trong khi các mạng xã hội âm nhạc khác như Spotify và Rdio cung cấp miễn phí cả triệu bài hát.

Ping được xem là đại diện hoàn hảo cho thái độ kênh kiệu của Apple trong chiến lược kinh doanh, bắt đầu từ việc không chấp nhận hợp tác hay bắt tay với các hãng công nghệ khác, rồi kế tiếp là tích hợp ứng dụng một cách cố chấp và cuối cùng là đặt quá nhiều niềm tin vào lòng trung thành của người dùng mà quên rằng có rất nhiều sự lựa chọn tốt đẹp hơn những dịch vụ của Apple.

PC WORLD VN, 11/2016
 

Nguồn: PC World VN