Thật chẳng thú vị gì với ý nghĩ rằng thông điệp của mình có thể bị lưu vĩnh viễn trên máy chủ của công ty hay bị phân tích bằng một số thuật toán. Nhu cầu về tính riêng tư đã sinh ra cả một thế hệ ứng dụng hứa hẹn đáp ứng hoàn toàn mong muốn của bạn. Các dịch vụ như Telegram và Signal đã giúp khái niệm "mã hóa đầu cuối" trở nên phổ biến. Mới đây nhất, Facebook cũng đã trang bị tính năng mã hóa tin nhắn đầu cuối cho ứng dụng nhắn tin Messager của mình. Bài viết giúp bạn hình dung tất cả vấn đề và ứng dụng nào nên thử.
Sơ lược về nền tảng mã hóa
Trước khi xem xét một số ứng dụng cụ thể, chúng ta sẽ có vài giải thích rất ngắn gọn. Về cơ bản, mã hóa đầu cuối nghĩa là chỉ người gửi và người nhận có thể đọc tin nhắn. Thông điệp được mã hóa ngay trên điện thoại của bạn, gửi đến người nhận, và được giải mã. Cách này ngăn được con mắt tò mò từ các công ty viễn thông, cơ quan chính phủ, thậm chí cả công ty chạy dịch vụ tìm cách đọc tin nhắn của bạn. Điều này có nghĩa là họ sẽ không thể giao các tin nhắn ngay cả khi bị cơ quan chính phủ yêu cầu. Và nếu hacker đột nhập máy chủ dịch vụ tin nhắn thì cũng không thể có được nội dung trao đổi của bạn.
Mong muốn mã hóa đầu cuối (end-to-end - E2E) không chỉ là không muốn Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) do thám. Thực tế, đó là nhu cầu rất cơ bản về sự riêng tư của thông điệp. Với ý nghĩ đó, bạn phải biết rằng thứ gì đó có chữ "mã hóa" không có nghĩa là nó được mã hóa đầu cuối. Một số dịch vụ sẽ mã hóa thông điệp giữa các điểm đầu cuối và cuộc hội thoại của bạn được lưu trữ mã hóa trên máy chủ dịch vụ nhưng vì họ mã hóa chúng nghĩa là họ có thể giải mã.
Tất cả dịch vụ được giới thiệu trong bài đều có tính năng mã hóa đầu cuối.
Telegram
Một trong những ứng dụng phổ biến nhất về lĩnh vực này là Telegram. Đó là một ứng dụng khá nổi trong vài năm gần đây.
Phần kỳ công nhất là bạn phải mời tất cả đối tác của mình vào thế giới hội thoại mới, bí mật này bằng menu của ứng dụng. Đó là khó khăn lớn nhất khi chạy ứng dụng ở lớp trên của dịch vụ, còn gọi là dịch vụ OTT (over the top), vì nó không có tính năng thông dụng của tin nhắn SMS.
Telegram cho phép tạo các kênh riêng tư hay công cộng cho các nhóm bạn muốn giữ kết nối.
Một khi đã làm điều này, bạn có thể gửi thông điệp đến từng người hay tạo kênh theo nhóm để nói chuyện với số lượng người dùng không giới hạn. Ưu điểm là bạn không bị những giới hạn của tin nhắn đa phương tiện (MMS) thường chỉ cho phép một số người nhất định. Thậm chí, nhóm của bạn có thể công khai, tạo thành một mạng xã hội nhỏ mà không bị nạn phá rối như của Facebook và Twitter.
Giao diện hơi "khô khan" nhưng Telegram có danh sách ứng dụng riêng tư chuyên cho từng nền tảng phong phú: iOS, Mac , Windows, web và tất nhiên cả Android.
Signal
Signal khẳng định danh tiếng khi tuyên bố nó là ứng dụng nhắn tin ưa thích của Edward Snowden – nhân vật nổi danh với vụ phanh phui NSA do thám khắp nơi. Đây là một trong những ứng dụng dễ cài đặt nhất vì nó tự động xác thực số của bạn và thậm chí có thể đặt làm ứng dụng SMS mặc định.
Như với Whisper, bạn có thể tạo một nhóm vui đùa riêng với số người dùng bất kỳ. Signal cũng cho phép thực hiện các cuộc đàm thoại mà một vài thử nghiệm cho thấy rất tốt.
Signal cung cấp rất nhiều tính năng và bạn có thể dùng làm ứng dụng tin nhắn chính.
Signal không được tối ưu hóa cho máy tính bảng nhưng công ty cho biết đã có sẵn kế hoạch. Thiết kế rất dễ dùng với màu sắc khác biệt cho từng đối tác, giúp bạn không trò chuyện sai người.
Wire
Một lựa chọn tốt khác là Wire. Nó cung cấp một số thủ thuật vui cho tin nhắn như vẽ nguệch ngoạc, chia sẻ vị trí, gửi ảnh, hoặc quay video. Ứng dụng này cũng có "người máy trò chuyện – bot chat", Anna, có thể trả lời khá tốt những câu hỏi về cách dùng ứng dụng.
Wire cung cấp một bot chat và một số cách để trao đổi tin nhắn.
Bạn có thể tùy chọn tạo một tài khoản bằng số điện thoại của mình và cài đặt hay xóa tài khoản dễ dàng. Wire rất tuyệt cho các cuộc trò chuyện một-một nếu bạn thích trao đổi với một ai đó ngoài danh sách. Nhưng nó không có tính năng nhóm hay mạng xã hội như một số ứng dụng giới thiệu trong bài.
Bạn cũng không thể bỏ qua WhatsApp cực phổ biến. Giống những ứng dụng hỗ trợ mã hóa đầu cuối khác, nó hứa hẹn đảm bảo tin nhắn của bạn riêng tư. Ưu điểm lớn nhất là dịch vụ thuộc sở hữu của Facebook này đã có hơn một tỷ người dùng. Rất có thể là bạn không phải thuyết phục tất cả bạn bè và người thân tải về ứng dụng.
WhatsApp là ứng dụng nhắn tin phổ biến toàn thế giới. Điều này rất có ý nghĩa vì một trong những nỗi khổ của việc thay đổi dịch vụ tin nhắn là thuyết phục mọi người cùng “chuyển tàu”. Tuy nhiên, WhatsApp hiện thuộc sở hữu của Facebook, điều có thể gây một vài lo lắng, đặc biệt là khi gần đây mạng xã hội này tuyên bố muốn sử dụng một số thông tin tài khoản, kể cả số điện thoại từ WhatsApp. Nếu muốn có sự riêng tư cao thì bạn cần lưu ý điều này.
Dust
Nếu bạn muốn thông điệp biến mất trước mắt mình thì Dust (trước đây là Cyber Dust) là lựa chọn cho bạn. Sản phẩm của Mark Cuban, chủ sở hữu Dallas Mavericks, cho phép tin nhắn biến mất trong vòng 24 giờ hoặc ngay sau khi đọc xong tùy bạn.
Dust làm cho thông điệp của bạn biến mất và cung cấp một tính năng mạng xã hội thú vị.
Công ty thông báo rõ ràng chính sách mã hóa và đưa ra một vài tính năng khác để bạn cảm thấy thoải mái như chuyện trò mà không hiển thị tên người dùng, vì vậy ngay cả nếu có ai đó có chụp màn hình thì cũng không thể gán nó cho bạn.
Ứng dụng tốt nhất sẽ tùy vào nhu cầu của bạn. Tin nhắn bảo mật là một lĩnh vực rộng lớn và ngày càng được người dùng quan tâm, nhưng nó đáng để thử nếu bạn cảm thấy an toàn sau khi dùng.
Nguồn: PC World VN