ICTnews – Nghiên cứu mới đây cho thấy những thói quen sử dụng Internet như "chat chit" và sử dụng Facebook quá nhiều có liên quan tới chứng trầm cảm.
Để chẩn đoán chứng trầm cảm, người ta thường dựa vào các triệu chứng ngoài đời thực như cách cư xử và ngôn ngữ cơ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri cho thấy, cách hoạt động trên mạng Internet của một cá nhân cũng giúp chẩn đoán chứng trầm cảm.
Trong nghiên cứu được tiến hàng với 216 sinh viên đại học hồi tháng 2 vừa qua, người ta đã theo dõi việc sử dụng Internet của từng người để xác định các triệu chứng trầm cảm. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công cụ NetFlow của Cisco để theo dõi và ghi lại chính xác những website sinh viên đã truy cập và trong thời gian bao lâu. Sau đó, sinh viên được yêu cầu tham gia một cuộc khảo sát với các câu hỏi để xác định các dấu hiệu trầm cảm. Tuy nhiên, sinh viên không hề biết mục đích của cuộc khảo sát là nhằm theo dõi mức độ trầm cảm liên quan tới thói quen duyệt web.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, sinh viên đạt điểm cao trong các cuộc khảo sát về dấu hiệu trầm cảm thường có các thói quen sử dụng Internet như sau: Chat chit quá nhiều, thường xuyên thay đổi các ứng dụng, thường xuyên kiểm tra email.
Các nhà nghiên cứu ghi trong kết quả như sau: “Việc khó tập trung hay khó đưa ra các quyết định rõ ràng là những dấu hiệu của chứng trầm cảm”. Ngoài ra, chat chit trên mạng trực tuyến quá nhiều có thể bạn bị cô lập với cộng đồng và có cảm giác cô đơn trong thế giới thực và dẫn tới chứng trầm cảm. Kết quả nghiên cứu cho biết, smartphone và máy tính có thể sẽ là những nhân tố tiếp theo xuất hiện trong danh sách nguyên nhân dẫn tới trầm cảm.
Trước nghiên cứu của Đại học Missouri, trước đây cũng có một nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa việc sử dụng Internet và chứng trầm cảm, đặc biệt ở thanh thiếu niên. Việc sử dụng quá nhiều trong trang mạng xã hội như Facebook cũng góp phần gây chứng trầm cảm ở các “teen”.
Phạm Duyên
Theo HuffingtonPost