lỗi
  • JUser: :_load: Không thể nạp user với ID: 50
  • JUser: :_load: Không thể nạp user với ID: 49
  • JUser: :_load: Không thể nạp user với ID: 46
  • JUser: :_load: Không thể nạp user với ID: 48
  • JUser: :_load: Không thể nạp user với ID: 47

Hỏi smartphone - Trợ lí ảo trả lời

1 1 1 1 1 1 1 1 1 1 Rating 0.00 (0 Votes)
(PCWorldVN) Apple Siri, Google Now và Microsoft Cortana đang có bước khởi đầu tốt với khả năng nhận khẩu lệnh từ người dùng, trả lời các câu hỏi và tư vấn trong nhiều lĩnh vực. Trí tuệ nhân tạo giờ đây đã sát cánh cùng người dùng cả ngày, đó là những ứng dụng trợ lý ảo như  Siri của Apple, Google Now và Cortana của Microsoft, và vì chúng được tích hợp trên smartphone nên thường gọi là trợ lý số cá nhân.

Siri trên iPhone, Google Now với điện thoại Android, và Cortana của Windows Phone  (gồm cả Windows 10) là những trợ lý số cá nhân hàng đầu hiện nay, có khả năng học hỏi và khai thác thói quen của người dùng. Chúng đều được điều khiển bằng giọng nói, phân tích để hiểu câu hỏi và trả lời, thậm chí còn đưa ra lời nhắc dựa vào lịch sự kiện hay đề xuất dựa trên ngữ cảnh và thói quen của người dùng.

Facebook cũng đang thử nghiệm trợ lý số cá nhân của riêng mình.

Công nghệ trợ lý ảo đang phát triển nhanh, trở thành hướng đi quan trọng cho kỷ nguyên Internet di động, tạo ra xu hướng tương tác cá nhân “rảnh tay” thuận tiện, giúp người dùng có cuộc sống dễ dàng hơn.

Siri lên iPhone, mở ra cuộc đua hỏi chuyện điện thoại
Tương tác bằng giọng nói với thiết bị điện toán không phải là chuyện mới, thuật toán nhận dạng giọng nói đã được phát triển trong nhiều năm qua. Nhưng việc Apple đưa Siri lên iPhone 4S vào năm 2011 được xem là mang tính đột phá. Siri thực sự thông minh nhờ phân tích dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của công nghệ điện toán đám mây, đã tạo ra khác biệt so với những công nghệ trước đây. Chiếc iPhone 4S dù thiết kế không mấy cải tiến so với đàn anh iPhone 4 vẫn có sức hấp dẫn kỳ lạ chính là nhờ tính năng trợ lý ảo thông minh trong túi quần, sẵn sàng thực thi mọi mệnh lệnh bằng giọng nói của người dùng.

Thành công của Siri khiến các đối thủ của Apple không thể bỏ qua. Google và Microsoft nhanh chóng nhập cuộc đua “ai thông minh hơn”. Google Now ra mắt cùng phiên bản hệ điều hành Android 4.1 Jelly Bean vào tháng 6/2012; Microsoft công bố Cortana chạy trên Windows Phone 8.1 tại Hội nghị BUILD hồi tháng 4/2014, và xem đây như là một thành phần quan trọng trong quá trình sáng tạo lại hệ điều hành Windows của mình.

Trợ lý ảo thế hệ mới đã có những bước tiến đột phá về trí tuệ nhân tạo so với trước đây, thời máy tính còn dùng đơn lẻ và cả về sau này đã nối mạng nhưng công nghệ điện toán đám mây chưa phát triển. Người dùng smartphone “bỗng nhiên” thảnh thơi khi tương tác với chiếc điện thoại của mình để truy tìm lời giải cho mọi vấn đề quan tâm. Chẳng những vậy, chỉ việc đơn giản nói “Hey Siri”, “Hey Cortana” hay “OK Google”, là trợ lý ảo Siri, Cortana hay Google Now sẽ được kích hoạt và chờ lệnh, khỏi tốn công chạm tay vào điện thoại.

Khả năng nhận dạng giọng nói được nâng cao và trợ lý số cá nhân ngày càng hiểu người dùng hơn. Chẳng hạn, Apple cho biết Siri trên iOS 9 trả lời chính xác hơn 40% so với phiên bản trước.

Các trợ lý số cá nhân Siri, Google Now, và Cortana hứa hẹn sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống số tương lai.

Các trợ lý số cá nhân ngày càng thông minh hơn, theo dõi kỹ những ghi chú, tin nhắn, email trong điện thoại để nhắc lịch hẹn và còn sẵn sàng đề xuất những gợi ý phù hợp với ngữ cảnh, về thời gian và địa điểm, cũng như dựa trên thói quen trước đó của người dùng. Siri, Cortana còn có xu hướng trở thành bạn tâm giao của người dùng smartphone nhờ khối kiến thức đồ sộ mà thuật toán cho phép chúng khai thác để biến dữ liệu lớn thành trí khôn khi tương tác với họ. Nếu Google Now tận dụng triệt để sức mạnh của cỗ máy tìm kiếm Google Search, thì Bing đem thông tin đến cho Cortana, và Siri dựa chủ yếu vào sự kết hợp của Wolfram Alpha, Bing và vài công cụ khác.

Trợ lý ảo lan tỏa khắp nơi
Những tiềm năng hứa hẹn của công nghệ trợ lý ảo thúc đẩy nhiều công ty tham gia cuộc chơi. Người khổng lồ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc mới đây công bố trợ lý ảo của mình, với tên gọi Duer. Facebook cho biết đang thử nghiệm trợ lý ảo “M”, một thành phần mới quan trọng thuộc ứng dụng Facebook Messenger. Facebook thậm chí còn khẳng định trợ lý ảo “M” sẽ qua mặt cả Siri, Google Now và Cortana.

Công nghệ trợ lý ảo đang phát triển nhanh và có xu hướng lan tỏa ra nhiều sản phẩm công nghệ.

Tại sự kiện ra mắt sản phẩm mới hôm 9/9, Apple đã giới thiệu Apple TV thế hệ mới với Siri tích hợp trên tay cầm điều khiển cho phép người dùng ra lệnh bằng giọng nói để chuyển kênh, hay tìm kiếm chương trình hoặc phim ưa thích, mà không cần phải bấm phím mất công như trước đây.

Xe hơi cũng là nơi các công ty công nghệ đang nhắm tới “phổ cập” ứng dụng trợ lý ảo. Ngành công nghiệp sản xuất ôtô đang hào hứng với những dịch vụ như CarPlay của Apple, cho phép đồng bộ iPhone với hệ thống giải trí trên xe. Người lái dễ dàng tương tác với Siri trên iPhone để xem bản đồ, thưởng thức nhạc trên xe, nghe đọc tin nhắn gửi tới, đọc để soạn tin nhắn gửi đi, kích hoạt điện thoại trả lời cuộc gọi… hứa hẹn giảm sự xao nhãng khi đang lái xe.

Google đang phát triển Android Auto để đưa lên xe hơi, và Google Now sẽ đóng vai trò quan trọng giúp người lái tạm quên đi chiếc điện thoại trong khi điều khiển xe. Tương tự như cách làm của Apple, Android Auto được cài trên smartphone đóng vai trò là cầu nối truyền dữ liệu đến màn hình của xe hơi. Microsoft cũng đang xúc tiến đưa Cortana lên xe hơi để hỗ trợ chỉ dẫn đường đi.

Tiềm năng lớn cùng nhiều thách thức
Không chỉ cần mẫn lên lịch, theo dõi và nhắc nhở “chủ nhân” cho mỗi sự kiện, các trợ lý ảo còn làm được nhiều hơn thế. Chẳng hạn, trợ lý ảo của công ty X.ai, tên gọi Amy, được “huấn luyện” để hiểu những email gửi tới, rồi lên lịch gặp cho “chủ nhân” dựa trên các từ khóa hẹn uống cà phê sáng, ăn trưa, hay trao đổi qua điện thoại, theo khung thời gian định trước cho từng loại sự việc.

Theo Gartner cho biết, đến cuối năm 2016, hai phần ba người tiêu dùng tại các nước phát triển sẽ thường xuyên sử dụng trợ lý cá nhân ảo trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Trợ lý ảo đang ở giai đoạn khởi đầu, những gì thể hiện được mới chỉ là một phần tiềm năng mà trí tuệ nhân tạo có thể đem lại. Theo chuyên gia phân tích Michele Goetz của Forrester thì việc sử dụng những trợ lý như Siri, Cortana, hoặc thậm chí Amazon Echo, sẽ đem lại những trải nghiệm tìm kiếm tốt hơn, nhưng chưa hẳn có được trải nghiệm tìm kiếm thông minh hơn. Bà cho rằng quá trình tìm kiếm bằng trợ lý ảo vẫn tốn công, và câu trả lời nhận được chính xác tới đâu còn tùy thuộc vào khả năng của phần mềm xử lý ngôn ngữ tự nhiên mà người dùng nói.
Đó là phần cực kỳ quan trọng trong việc trợ lý ảo hiểu được ý của người dùng. Phần mềm xử lý ngôn ngữ dựa trên cơ sở dữ liệu đồ sộ của ngôn ngữ thường dùng để đưa ra câu trả lời sát nghĩa nhất cho câu hỏi đặt ra, đôi khi đó là câu hội thoại mang tính đối đáp.

Mặt khác, trợ lý ảo phát triển đang đặt ra những thách thức mới về quyền riêng tư. Vì để phục vụ tốt hơn, trợ lý ảo thường được người dùng thiết bị cấp quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân. Những dữ liệu này, bao gồm cả những thông tin nhạy cảm, riêng tư có thể được cung cấp cho bên thứ ba, dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn vì mục đích mờ ám nào đó hoặc được dùng cho tiếp thị, quảng cáo gây phiền phức cho người dùng.

PC WORLD VN, 11/2015
 

Nguồn: PC World VN