Thay vì chạy đua đưa ra những con chip tốc độ cao, các công ty sản xuất đang lao vào thiết kế những chip điện năng thấp, hướng đến di động nhiều hơn.
Sự thống trị của Intel vẫn còn đó trong thế giới bộ vi xử lý (BXL) và chúng ta không cần bàn cãi nhiều về việc này. Intel vẫn còn ngự trị trên “ngai vàng” của họ trong vài năm tới nữa cho dù có những sự cạnh tranh rất gay gắt từ phía AMD, ARM và một vài công ty khởi nghiệp khác. Nhưng có một khúc cua dài mà các công ty thiết kế, sản xuất BXL đang phải “lượn” theo, đó là sự chuyển mình của BXL nền tảng x86 sang một kiến trúc khác phù hợp hơn. Điều này có đúng?
Theo nhà phân tích công nghệ John C. Dvorak của tờ PC Magazine, kỷ nguyên x86 đang đi qua bởi người dùng đã không còn quan tâm đến nó từ khi Apple tung ra giao diện tương tác chạm, lắc trên chiếc iPhone đầu tiên xuất hiện hồi năm 2007.
Xu hướng này còn rõ nét hơn từ góc độ phần mềm. Phần mềm không còn đơn thuần là cài đặt trên máy tính nữa, mà chuyển sang được gọi là “app” (ứng dụng). Những thay đổi này đã chạm đến mọi mặt của công nghệ máy tính và điều cốt lõi là chính sự chuyển biến này đã đẩy ngành công nghệ này đến một mức mà chẳng mấy ai còn quan tâm nhiều đến thiết bị đó hoạt động như thế nào.
Kiến trúc dựa trên nền tảng x86 sẽ còn tồn tại bao lâu |
Minh chứng cho một chiếc máy tính “hướng tiêu dùng” thời đó là những cỗ máy Altair, IMSAI, SOL-20 và Apple II vào thời kỳ đầu của kỷ nguyên PC. Trở lại những năm 1970, các chuyên gia nghĩ máy tính như một món đồ chơi. Biên tập viên của nhiều tờ báo yêu cầu tác giả bài viết tránh mô tả quá chi tiết về kỹ thuật của sản phẩm. Ví dụ như dung lượng đĩa mềm phải được đổi sang định lượng theo số từ; đĩa 1MB nên nói là chứa được 1 triệu ký tự. Tác giả không được sử dụng từ “bit” hoặc “byte”, không để người đọc phải hiểu công nghệ, máy tính hoạt động thế nào.
IBM nhảy vào cuộc và đã làm thay đổi cục diện này. Tính hiếu kỳ và nhận thức của người dùng đã khiến nền tảng x86 được chú ý hơn. Cuối cùng, x86 được xem là kiến trúc nền tảng của mọi máy tính để bàn. Intel cũng từng tính “phá vỡ” nền tảng này khi họ cố gắng đưa ra kiến trúc iAPX 432 chạy Ada, là ngôn ngữ lập trình tương tự như tập lệnh x86, và sau đó kiến trúc này cũng không “cất” lên được.
Cú đột phá tiếp theo của Intel là Itanium chạy trên kiến trúc x64 hồi giữa năm 1990. Và lúc ấy, nhiều người cho rằng kiến trúc x86 sẽ lụi tàn. Nhưng Itanium đã không đạt được thành công như Intel mong đợi.
Nhưng điều hay là cả 2 kiến trúc x64 của Itanium và x86 đều cùng phát triển trong thị trường vi xử lý. Và khi làn sóng Internet cùng trình duyệt (browser) làm cho giao tiếp chuột máy tính phổ biến để điều khiển việc lướt web thì mọi “quyền năng” lại chuyển sang x86.
Trong vài năm sau, mặc dù các nhà tiếp thị rất nỗ lực nhưng người dùng không còn bàn nhiều về bộ xử lý nữa. Chính Intel cũng phải tìm đường thoát, cố tiếp thị mình như là một nhà sản xuất chip mạng với các sản phẩm như WiMAX và 802.11n. Thỉnh thoảng ở đâu đó trong biểu đồ sản phẩm của họ mới nhắc đến x86 ở phần “đuôi” của đồ thị.
x86 dần dần lụi tàn phần lớn vì có một thời gian Intel bỏ bê kiến trúc này. Vào cuối những năm 1990, Intel vẫn tin vào những dự đoán của các báo cáo nghiên cứu thị trường. Điều này cũng xảy đến với AMD, và họ rơi vào các vấn đề kiện tụng pháp lý bản quyền với CISC, RISC, cạnh tranh với PowerPC… Có thể mọi thứ dồn nén này tạo nên một thế cạnh tranh khốc liệt về sau giữa AMD và Intel.
Còn nay, Intel cũng như AMD lại nghiên cứu chip x86 tiêu thụ điện năng thấp cho thị trường thiết bị di động, hướng nhiều đến “app” với các thao tác vuốt, chạm, lắc… cho người dùng đang “lười” dần.